VPPA-Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
Kinh tế tuần hoàn – Lời giải cho phát triển bền vững.
Bắt đầu từ hôm nay, tại Hải Phòng diễn ra “Diễn đàn Logistics Xanh năm 2022“. Tại Diễn đàn, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tham luận: “Logistics xanh, kinh tế tuần hoàn và lợi ích thực tế cho doanh nghiệp“. Vậy “kinh tế tuần hoàn” là gì?, Việt Nam đã đặt vấn đề như thế nào?
Kinh tế tuần hoàn – giải pháp đột phá
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế tuần hoàn (KTTH) có nhiều ưu điểm và lợi ích. Cụ thể, đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. KTTH hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Đối với xã hội, hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân…
Đối với doanh nghiệp, thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên; góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…
Thực hiện Kinh tế tuần hoàn có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện KTTH còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Ngày 7/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Mục tiêu, từ tăng cường nhận thức đến hành động, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Đến năm 2025, các dự án KTTH hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án KTTH hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
KTTH trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh
Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
Mô hình KTTH hoàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH.
Lồng ghép phát triển KTTH ở các địa phương
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển tại các lĩnh vực, địa bàn cụ thể thuộc thẩm quyền.
Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nghiên cứu, lồng ghép vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình này.
Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH
Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác của Đề án là chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về Kinh tế tuần hoàn, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường…) thân thiện với Kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển Kinh tế, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.
Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển Kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực ưu tiên/có thể thí điểm triển khai sớm.
Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.
* “Diễn đàn Logistics Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức từ năm 2013 đến nay. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành logistics Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
* Tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022“, Tạp chí Vietnam Logistics Review là một trong 16 tập thể được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen về những đóng góp trong phát triển dịch vụ Logistics năm 2022.
Nguồn: VPPA.VN
𝘊𝘰𝘯𝘵𝘢𝘤𝘵 𝘧𝘰𝘳 𝘸𝘰𝘳𝘬:
Công Ty CP Tập đoàn Timico
Facebook: Công Ty CP Tập Đoàn Timico
Website: https://timicogroup.vn/
Hotline: 07 6665 6668
Địa chỉ: KCN Đông Quế Sơn, TT Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam